Nhà hai tỉnh
Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử xã Trà Leng







Chi tiết tin

Nhà hai tỉnh

Hơn một nghìn người Ca Dong tại Nam Trà My đang sống trong những ngôi nhà nằm trên vùng chồng lấn địa giới hành chính. Những éo le xảy đến khiến họ chịu cảnh như sống tha hương trên chính mảnh đất tổ tiên để lại cho mình.

Đời sống nhân dân thôn 3 gặp nhiều khó khăn, dù họ đã định cư ở đây từ rất lâu

Nhọc nhằn cán bộ xã, thôn

Từ trung tâm xã Trà Vinh đến làng ông Bốn (thôn 3) vỏn vẹn mười cây số nhưng phải mất gần một giờ đồng hồ để đi. Con đường này còi cọc, nham nhở những rãnh sâu bám đầy muội khói từ mấy chuyến xe thồ hàng để lại. Đó là chưa kể mùa mưa, đường nhão và trơn trượt, muốn ra vào thôn phải cuốc bộ, thời gian gấp đôi.

Anh Hồ Văn Gương – Bí thư đoàn xã Trà Vinh cho biết, có những tuần anh phải vào thôn 3 vài ba lần để họp với chi đoàn, giúp đỡ bà con trong đó. Thậm chí những lúc ra vào liên tục hai ba ngày liền, chiếc xe máy cũng không trụ nổi, đứt sên, bể lốp phải vứt lại bên đường.

“Chừng nào chưa có đường thì cán bộ, bà con chưa thể hết khổ, trồng ra cây gì hay nuôi được con gì cũng vất vả lắm mới mang được ra xã để bán, học sinh đi học lại càng vất vả hơn. Đường vào thôn 3 nhưng hết 2/3 tuyến nằm trên đất Kon Tum rồi” - anh Gương nói.

Không đường, không điện, không nước, sóng điện thoại cũng mù tịt. Thời điểm thôn 4 chưa sáp nhập với thôn 3, việc họp hành có chút nhẹ nhàng, nhưng từ sau khi sáp nhập, bí thư chi bộ (nhà ở thôn 3) muốn làm việc với trưởng thôn (nhà ở thôn 4 cũ) hay ngược lại, phải đi bộ gần 50 phút để gặp, có khi xui rủi một ông đi rẫy thì người còn lại phải chờ cả ngày.

Không xây được nhà văn hoá, việc làng việc xóm đều phải gặp ở nhà trưởng thôn hoặc mượn nhà bà con để họp. Không có sóng điện thoại đã đành, đến chiêng trống cũng chẳng thể nghe. Nhưng nhiều năm qua họ vẫn phải chấp nhận và làm việc theo kiểu chạy bộ như thế. Vì đó cũng chỉ là một phần trong vô vàn khó khăn mà cán bộ, nhân dân thôn 3 đang phải trải qua.


Đường vào thôn 3, Trà Vinh nham nhở rãnh sâu

Khép nép trên quê hương

Thôn 3 (xã Trà Vinh) được nhắc đến với danh nghĩa vùng chồng lấn giữa hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Toàn thôn có 1.047 nhân khẩu đang sinh sống trong những ngôi nhà biệt lập với bên ngoài. Nói như vậy vì nhiều năm qua, nhân dân thôn 3 đang ở thế dùng dằng giữa hai địa phương, bên nào cũng có những lý lẽ chắc nịch về địa giới của mình. Chúng tôi gọi là nhà hai tỉnh cũng vì lẽ đó.

Ông Hồ Văn Tấn (nóc Tu Pric) nay đã 40 tuổi, chưa bao giờ ông nghĩ bản thân và gia đình phải trải qua những ngày tháng cám cảnh đến thế. Ra đời trước bản đồ địa giới 364 hơn mười năm, rồi lấy vợ sinh con, vậy mà đến vài năm gần đây, khi bên bạn “làm gắt”, ông mới biết đến sự tồn tại của tấm bản đồ.

“Lúc chưa có tranh chấp, người dân ở đây sống thoải mái lắm, mà vốn dĩ chúng tôi (người dân Trà Vinh và Đắk Nên) cũng không có mâu thuẫn hay tranh chấp gì. Bây giờ làm gì cũng không được, rẫy dế mình khai hoang từ mấy năm trước giờ họ cũng không cho động vào, đi phát rừng thì bị lập biên bản, lên núi trồng sâm mà gặp họ đi kiểm tra lại phải quay về giữa đường” – ông Tấn tâm sự.

Theo ông Nguyễn Minh Hải (SN 1968, nóc Tăk Eo), địa giới hành chính trên pháp lý thuộc Kon Tum, nhưng người dân Trà Vinh đã sống ở đây nhiều đời, dù thuộc bên nào cũng là đất do người dân ở đây khai hoang, quản lý từ rất lâu.

“Đời ông nội, ông ngoại tôi ở đây rồi, không phải mới tới, đến cha mẹ, anh em tôi cũng lớn lên ở đây. Từ năm 1975 chúng tôi đã biết đất này của Quảng Nam – Đà Nẵng, giờ là Quảng Nam. Thực tế bà con muôn đời ở đây, thì đến đời chúng tôi vẫn vậy, là người Quảng Nam, con cái Quảng Nam, sống trên đất Quảng Nam” – ông Hải quả quyết.

Từ xa nhìn vào, các nóc ở thôn 3 rất đẹp, nhà cửa, kho lúa nằm gọn gàng dưới mấy tán quế Trà My cao vút. Nhưng bên trong làng thì thật sự khó khăn, nhà cửa chen chúc, đường sá trong làng cũng chỉ là lối mòn, đi lại cũng toàn phải trèo, leo, vệ sinh lại không đảm bảo.

Bí thư Huyện ủy Nam Tra My, ông Lê Thanh Hưng cho biết, thôn 3 (xã Trà Vinh) về nguồn gốc lịch sử, bà con sống bao đời nay, từ khi có chỉ thị 364 (1991) thì vùng đất này thuộc địa phận xã Đắk Nên (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum).

“Đây là vùng đang chồng lấn về địa giới hành chính, nhân khẩu thuộc huyện Nam Trà My quản lý nhưng đời sống phần lớn người dân đều khó khăn, các chính sách hỗ trợ cũng rất khó thực hiện. Khó khăn nhất của người dân hiện nay là đường sá, trường học chưa kiên cố. Quan điểm của huyện Nam Trà My dân ở đâu cũng là người Việt Nam mình cả. Sắp tới chúng tôi sẽ hỗ trợ bà con tự sửa chữa đường, lắp điện thắp sáng bằng năng lượng mặt trời hoặc điện từ thuỷ lợi để phục vụ đời sống” – ông Lê Thanh Hưng nói.

Tác giả: Phú Thiện

Nguồn tin: Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thương hiệu

ket sat viet tiep chinh hangxe thương binh chở đồ trọn gói

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ LENG - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Leng - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)