Nhiều mô hình kinh tế được huyện Nam Trà My triển khai theo nghị quyết mang lại cơ hội thoát nghèo, phát triển kinh tế cho nhân dân
Nhiều điểm nghẽn
Năm 2022, Nam Trà My được phân bổ hơn 85,1 tỷ đồng để đầu tư thực hiện 7 dự án giảm nghèo theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mới chỉ thực hiện được duy nhất Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hầu hết dự án còn lại đều được phân bổ vốn, giao nhiệm vụ thực hiện nhưng chưa triển khai.
Lý giải cho việc này, ông Đặng Duy Ba – Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH Nam Trà My cho hay, do nguồn kinh phí được UBND tỉnh phân bổ thời gian cuối năm nên gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện, một số văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành chưa rõ ràng, bên cạnh đó, việc tỉnh ban hành quy định, định mức rơi vào thời điểm cuối năm dẫn đến không thể thực hiện và giải ngân được.
“Dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững rất quan trọng với huyện. Nhưng do nguồn vốn phân bổ trễ nên đến nay các chủ đầu tư mới thực hiện ở khâu họp dân, tiến hành lập dự án, dẫn đến tiến độ giải ngân chưa đạt theo yêu cầu” - ông Ba nói.
Năm 2022, Nam Trà My giảm được 721 hộ, còn 3.609 hộ nghèo (44,69%), số hộ cận nghèo tăng 166 hộ, nâng số hộ cận nghèo lên 313 hộ, tương đương 3,88%. Theo ông Đặng Duy Ba, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn và số thôn, xã đặc biệt khó khăn còn nhiều; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao so với cả tỉnh và khu vực 9 huyện miền núi; 99,89% hộ nghèo, hộ cận nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số, đây là những vấn đề rất khó khăn đối với công tác giảm nghèo của Nam Trà My.
Cần sát thực tế
Nhiều ý kiến cho rằng, để Nam Trà My giảm nghèo hiệu quả, cần đánh giá lại thực trạng, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp kịp thời và sát thực tế, đúng trọng tâm.
Theo ông Đinh Văn Vượng – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Don, hiện nay công tác từ thiện góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ đời sống của người dân, tuy nhiên phần lớn quà tặng là lương thực, thực phẩm, những sản phẩm có sẵn, vô tình tạo nên hiện tượng “trông chờ” trong một bộ phận người dân.
“Từ thiện là tốt nhưng cần có phương thức mới, thay vì cấp gạo hay mì tôm, có thể cân nhắc việc cấp, tặng công cụ sản xuất như xe rùa, dao, rựa, cấp giống cây, con vật nuôi để người dân tự mình làm ra sản phẩm cung cấp cho đời sống hằng ngày, vừa đảm bảo lâu dài, vừa có ý nghĩa thiết thực” - ông Vượng chia sẻ.
Thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Nam cho biết, trong quá trình giảng dạy, nhà trường luôn quan tâm đời sống học sinh, do đó lãnh đạo, giáo viên nhà trường thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt cuộc sống gia đình các em.
“Hiện nay việc chi tiêu của đa số người dân chưa hợp lý, bà con không có của cải tích lũy trong nhà, tài sản làm ra từ cây trồng cho đến con vật nuôi hầu như không thương mại hóa được mà chủ yếu cung cấp cho đời sống hằng ngày. Việc không tái sinh được tài sản dễ dẫn đến tái nghèo” – thầy Chín nhìn nhận.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các lễ hội truyền thống nhằm thu hút khách du lịch chưa mang lại giá trị kinh tế cao trong khi công sức bỏ ra rất lớn. Do đó, thầy Chín kiến nghị cần có biện pháp thương mại hóa sản phẩm do người dân làm ra, khuyến khích nhân dân trồng và phát triển các loại cây dược liệu để cung cấp cho nhà máy và phục vụ du khách tham gia lễ hội, như vậy thu nhập sẽ được ổn định và lâu dài hơn.
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trà My là một trong những đơn vị đồng hành tích cực với địa phương trong công tác giảm nghèo. Thời gian qua, bên cạnh hỗ trợ cho vay vốn tín dụng chính sách, đơn vị này còn phối hợp với các đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động hộ nghèo tham gia đăng ký thoát nghèo, làm tốt công tác 3 cán bộ, công chức giúp 1 hộ đăng ký thoát nghèo.
Ông Trần Văn Quang - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Nam Trà My cho hay, năm 2022, đơn vị đã thực hiện giải ngân nguồn vốn từ Nghị định 28, giúp nhiều hộ dân đầu tư trồng sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu.
"Ngân hàng Chính sách xã hội luôn đảm bảo nguồn vốn cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo, đặc biệt với huyện miền núi như Nam Trà My đòi hỏi chúng tôi phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động hộ vay vốn tham gia tiết kiệm để tích lũy, trả lãi, trả gốc, tập cho họ cách tiết kiệm tiền. Trong năm 2022, toàn bộ 4.479 hộ tham gia vay vốn đều có tiền gửi ngân hàng, riêng hộ nghèo là 1,2 tỷ đồng, bước đầu tạo ý thức cho người dân biết tích lũy vốn liếng" - ông Quang nói.