Mùa thu ở vùng cao vậy mà chộn rộn, tiết trời dịu mát, cây rừng sẵn sàng trút bỏ những chiếc áo cũ khi mưa đến. Nắng rọi qua các thung lũng, vàng hoe. Mây nhẹ nhàng, đong đưa theo nhịp thở của núi. Mùa thu ở vùng cao chộn rộn hơn khi người dân khắp nơi lưng mang gùi, tay cầm rựa trên đôi chân nhỏ nhắn thoăn thoắt, băng rừng vượt suối, lặn sâu vào những vách núi để đi tìm sản vật mà mẹ thiên nhiên ban tặng.
Người Ca Dong phấn khởi sau một ngày bội thu sản vật
Vào mùa măng rừng
Dọc đường vào làng ông Bích (thôn 2, xã Trà Vân), mùi măng nứa thơm nồng, áng quanh từng nếp nhà nhỏ. Chị Võ Thị Thu Hằng (người trong làng) cần mẫn vớt những búp măng nóng hổi cho ráo, hơi nóng trong măng bốc lên nghi ngút. Một rổ măng to là thành quả của chuyến đi núi suốt buổi sáng của hai mẹ con chị.
“Măng nứa đang vào mùa, mọc chi chít, hái không xuể, nhưng rừng nứa ở tận bên kia sông Nước Là, đi bộ gần hai tiếng, phải vất vả lắm mới bẻ được chừng ấy” - chị Hằng tâm sự.
Cũng theo chị Hằng, công cụ mang theo mỗi chuyến bẻ măng cũng chỉ có vài vật dụng thô sơ như gùi, rựa, bao, ủng và một ít nắm cơm nóng phòng theo lúc đói. Những lúc trời nắng đường dễ đi thì rất thuận lợi, nhưng ngược lại trời mưa thì đường khá trơn trượt. Để cõng được những ký măng về đến tận nhà là cả một quá trình dài với biết bao công sức.
Cây nứa bắt đầu lên măng vào cuối tháng bảy, đến đầu tháng tám măng sẽ đủ lớn để dùng. Mùa măng kéo dài đến cuối tháng chín, qua ngưỡng ấy thì chỉ còn măng mót. Thời gian này, người Ca Dong đổ đi các hướng để hái cho kịp mùa măng non. Đường xa, cõng măng vất vả, trẻ con các làng cũng theo cha theo mẹ đi hái măng rừng.
Măng nứa được xem là một đặc sản ở Nam Trà My
Anh Nguyễn Quang Nhân (làng ông Ní, thôn 2, xã Trà Vân) vốn là công nhân xây dựng, tranh thủ ngày công trình tạm ngưng, anh cùng vài người quen khăn gói sang tận xã Trà Vinh để hái măng rừng.
“Mọi năm mình không có thời gian đi hái, nhưng đợt này măng nứa bán được giá, nên ai cũng ham. Măng này lột vỏ, rửa sạch, luộc chín rồi đem đi bán; măng nhiều thì xắt mỏng, phơi khô rồi để cho thương lái, mỗi ký măng khô cũng được khoảng trăm rưỡi nghìn” - anh Nhân nói.
Mưu sinh từ rừng
Ngoài măng nứa, các sản vật khác của vùng cao mùa này cũng thi nhau đơm lộc. Chè dây um tùm, dây mây uốn lượn chằng chịt cùng hàng chục loài cây, cỏ quý khác. Đặc biệt, khắp các cánh rừng độ này trắng rộ màu hoa trẩu, hạt của cây ấy được ví như cau đen ở vùng cao.
Từ làng Khe Chữ, chị Hồ Thị Chiến và Hồ Thị Đón rủ nhau vượt nhiều cây số để lượm lặt hạt trẩu ở bìa rừng. Loài cây ấy có ở khắp nơi, chẳng cần lặn lội tìm như những giống cây khác. Mặt trời ngả bóng cũng là lúc các chị xuống núi với những bao đầy ắp hạt trẩu tươi trên lưng. “Hôm nay được trời thương, khá thuận lợi nên hái được nhiều, nhiêu đây hai chị em tôi về bán mỗi người cũng được gần nửa triệu đồng” - chị Đón hớn hở nói.
Cây trẩu được người dân vùng cao gọi là cây trẩu nhăn, trẩu cao, trẩu ba hạt, vỏ quả có công dụng chữa sâu răng, hạt dùng để chữa chốc lở hoặc được chế làm dầu ăn, dầu ép từ hạt được sử dụng để pha sơn.
Quả trẩu sau khi nhặt sẽ được tách vỏ lấy hạt
“Trái trẩu sau khi hái về sẽ được tách ra lấy hạt, thương lái bên Quảng Ngãi mua với giá từ 6 đến 10 nghìn đồng/ký, còn để nguyên cả vỏ thì có giá 4 đến 5 nghìn đồng/ký, cộng thêm chè dây với dây mây thì chị bán cũng được kha khá” - chị Chiến tiếp lời.
Ông Hồ Văn Thới - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vân cho biết thêm, người dân Ca Dong nơi đây vốn đã quen với việc săn bắt hái lượm. Đời sống hiện nay dù đã có nhiều thay đổi, song còn rừng thì họ vẫn sẽ bám rừng để mưu sinh.
“Hiện nay thu nhập chính của người dân là nương rẫy, chăn nuôi, bên cạnh đó vào mỗi mùa trong năm sẽ có thêm nguồn thu từ các loài cây bản địa như chè dây, táo mèo, trẩu, đốt, măng nứa… Đây đều là những sản vật tự nhiên của núi rừng” - ông Thới nói.
Cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi gắn liền với núi rừng, với sản vật bản địa. Nên mỗi khi vào mùa, hễ ai có sức khỏe là mang gùi, cầm rựa vào rừng. Không chỉ cần có sức khỏe, thông thạo địa hình, để lấy được sản vật từ thiên nhiên cần đến sự cần mẫn, dẻo dai, đôi bàn tay khéo léo và chịu thương chịu khó của người dân.