Đồng bào Xê Đăng ở Trà Cang trổ tài đan lát trong hội thi.
Trước thềm Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 4, hội thi cồng chiêng, hát tingtin và làm sản phẩm nghề truyền thống đang diễn ra khá sôi nổi tại xã Trà Cang. Vì đây là lần đầu tiên xã tổ chức nên bà các thôn ai cũng háo hức.
Chăm chú luồn những nhánh lũ (cây nứa) đan thành chiếc giỏ phơi chén đĩa, anh Hồ Văn Thơm (ở thôn 2) cho biết, sản phẩm này khá phổ biến trong đời sống vì ai nhà nào cũng dùng đến, nhưng mang đến hội thi như thế này là lần đầu tiên. “Trước đây mình chỉ đan dùng trong nhà, cái cũ dùng hỏng mới đan thêm, nay lần đầu tham gia thi tài nên cũng khá hồi hộp, nhưng cũng cố gắng làm tỉ mỉ hơn” - anh Thơm chia sẻ.
Hội thi năm nay được xã Trà Cang chuẩn bị khá công phu từ cả nội dung thi lẫn hình thức, trong đó có các phần thi đan lát, rèn nông cụ, giã gạo, nấu ăn và đặc biệt là phần thi cồng chiêng, hát tingtin truyền thống, thu hút hàng trăm người tham gia tranh tài từ các thôn trên địa bàn.
Đây là dịp để bà con đồng bào Xê Đăng giao lưu, học hỏi nhau, đồng thời thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Thập không khỏi xúc động khi chứng kiến đồng bào mình tự tay làm ra những vật dụng truyền thống. “Tôi rất phấn khởi vì bà con, nhất là các bạn trẻ biết tự mình làm ra đồ dùng, các cháu làm nhanh, làm kỹ nên sản phẩm đều có chất lượng khá cao” - ông Thập nói.
Thi rèn
Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang thông tin, hội thi được tổ chức nhằm hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2022, hướng đến Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 4 của huyện. Đây là lần đầu tiên xã tổ chức, dù vậy các thôn tham gia chủ động, nhiệt tình và có sự sáng tạo trong mỗi phần thi.
“Một mục đích quan trọng nữa của hội thi là giúp người dân địa phương vượt qua các kiêng cử trong sử dụng cồng chiêng, vì mùa này không phải là mùa sử dụng cồng chiêng của người Xê Đăng.
Tuy nhiên xã đã vận động các thôn chủ động tổ chức các đội cồng chiêng để sử dụng trong thời gian này và đã thành công. Điều này sẽ giúp cho cồng chiêng trở thành hoạt động cộng đồng, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động phục vụ du lịch sau này” - ông Lạc nói.
Sôi nổi hội thi giã gạo
Những đêm vui bên đốm lửa hồng cùng nhịp điều cồng chiêng giờ đây sẽ thường xuyên diễn ra, góp phần giúp bà con vùng cao có sân chơi sau những ngày lao động miệt mài, đồng thời nhận ra được tầm quan trọng của văn hóa truyền thống trong đời sống của mình. Đây cũng là cơ hội để chính quyền địa phương quảng bá nét đẹp văn hóa đến với du khách thông qua Lễ hội Sâm Ngọc Linh hằng năm.