Bản sắc văn hoá là linh hồn của một dân tộc
Những ngày Ca Dong xưa…
Mưa mải rơi trên sông Nước Là, mưa tháng 5 mà tưởng chừng là của mùa đông năm ngoái lùa về khiến vợ chồng già Phương một lần nữa hoài niệm nhiều chuyện của những ngày xưa cũ, những ngày của cộng đồng người Ca Dong còn hừng hực bên bếp lửa hồng.
Ông Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trà Mai là một già làng Ca Dong uy tín và hiểu biết nhiều về tập tục của đồng bào mình. Già Phương cho biết đã chứng kiến biết bao đổi thay, thăng trầm của người Ca Dong. “Ngày xưa người Ca Dong chỉ biết làm nương, làm rẫy, làm ra hạt lúa, củ sắn để chia nhau ăn, bà con chung tay xây nhà, dựng làng, cùng nhau trồng trọt, săn bắt, quây quần nhảy múa các dịp Tết Máng nước, đâm trâu huê”- già kể.
Trong ký ức già Phương, xã Trà Don những năm 1997 trở về trước, khi chưa tách ra khỏi Trà Mai, các ngôi làng của đồng bào nằm biệt lập với nhau. Làng nhiều dân cư nhất có đến 30 hộ. Và những người Ca Dong xưa sống chung trong một căn nhà dài tựa như đoàn tàu, dù không phải là dòng họ hay cùng huyết thống. Mỗi làng là một căn nhà như thế, không vách ngăn, chỉ có những bếp lửa đánh dấu không gian của từng gia đình.
Già Phương say sưa kể những câu chuyện về văn hóa người Ca Dong, về chế độ phụ hệ, những ngôi nhà bề thế của người giàu có, những ché rượu cần cất trong gian buồng cúng, nghi thức chôn hạt gạo chọn đất dựng làng hay những hội trâu huê xuyên đêm… Trong lúc say mê kể chuyện, thi thoảng già Phương lại thức tỉnh chúng tôi với lời nhắc: “Cái đó là ngày xưa thôi”.
Gian bếp nhỏ của già Phương là nơi lưu giữ kỉ niệm và giúp ông duy trì được nếp sống của mình, đó cũng là nơi để ông nhắc nhở cháu con về một cuộc sống đã tồn tại qua hàng trăm năm của đồng bào. Mắt ông đầy ắp suy tư về tương lai của những bếp lửa hồng, còn chúng tôi nhìn nhau, khắc khoải về câu chuyện đi tìm văn hoá trong lớp trẻ sau này…
Giữ vững niềm tin cộng đồng
Gặp gỡ chị Hồ Thị Mười - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cộng đồng Ngọc Linh, người phụ nữ Ca Dong đang nỗ lực cố kết cộng đồng để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống dưới chân Ngọc Linh. Tên gọi HTX Cộng đồng Ngọc Linh ra đời cũng chính từ những trăn trở của chị đối với văn hóa cha ông. “Vì mình là người đồng bào, người địa phương ở đây nên mong muốn HTX mang tính chất cộng đồng của người địa phương, cùng định hướng, cùng chung tay hành động, nhìn nhận và mọi người cùng làm, đoàn kết chung tay xây dựng Nam Trà My tốt đẹp hơn nữa” – chị Mười chia sẻ.
Các thành viên HTX Cộng đồng Ngọc Linh dành thời gian tìm hiểu văn hoá của nhau
HTX Cộng đồng Ngọc Linh hiện tại có 15 thành viên, đều là người Ca Dong, Xê Đăng từ các xã Trà Mai, Trà Don và Trà Linh. Anh Hồ Văn Lai (ở xã Trà Don) – thành viên HTX cho biết, ngoài thời gian chăm sóc vườn, các thành viên còn thường xuyên đến nhà nhau để thăm hỏi, chia sẻ những thói quen, nếp sống của đồng bào mình, nhờ vậy mọi người thấy gắn bó và hiểu nhau nhiều hơn.
Tại xã Trà Linh, ở sâu trong những góc núi vẫn còn những ngôi làng vừa giàu về kinh tế, lại giữ được nét văn hóa truyền thống lâu đời. Bên cạnh đó, đã có nhiều ngôi làng “tỷ phú” mọc lên giữa đại ngàn, minh chứng cho sự nhập cuộc của người dân vùng cao vào dòng chảy thời đại.
Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh – ông Hồ Văn Bút cho biết, đời sống kinh tế phát triển kéo theo nhu cầu giải trí trong nhân dân ngày một cao, đây cũng là thời điểm thích hợp để người dân nâng tầm văn hóa của chính mình. “Chúng tôi đang xây dựng một ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng ngay trong khuôn viên trụ sở UBND xã, làm nơi giao lưu, sinh hoạt cho bà con, đồng thời để trưng bày hiện vật của cộng đồng người Xê Đăng nơi đây” – ông Bút thông tin.
Bảo tồn văn hoá trên vùng đất mới
Khu sinh hoạt cộng đồng tại làng Cheng Tông (thôn 1, xã Trà Cang)
Nam Trà My nhiều năm trở lại đây đối mặt với không ít thách thức liên quan đến thiên tai, nhiều ngôi làng chợt hiện rồi chợt mất, kéo theo cuộc sống hàng trăm đồng bào trở nên khó khăn. Trong những cuộc dời làng, đồng bào vùng cao chật vật vác sự sống đi đến mảnh đất mới, liệu họ có đủ sức để mang văn hoá đi theo? Đó thực sự là bài toán cần nghiên cứu kỹ trong việc sắp xếp dân cư vùng núi.
Nói như ông Ngô Tấn Lạc – Chủ tịch UBND xã Trà Cang, trong quá trình sắp xếp dân cư, việc bảo tồn văn hoá quan trọng nhất vẫn là chủ thể của người dân, vì văn hoá nằm trong tiềm thức, trong bản năng, nếp sống của họ.
“Chúng tôi chỉ tuyên truyền để người dân thấy những gì tốt đẹp họ sẽ tự giữ lại như cây nêu, giếng nước, nhà quật (nhà cúng - PV); hủ tục thì khuyến khích loại bỏ. Việc này không thể một sớm một chiểu, dù vậy xã vẫn cố gắng tác động để bà con gìn giữ nét văn hoá mang tính nguyên bản nhất có thể” – ông Lạc chia sẻ.
Dời làng, lập ấp không đơn thuần là việc vác thanh gỗ, cõng theo con nhỏ trên vai, mà đó là câu chuyện tinh thần của một tộc người, một cộng đồng trong tương lai
Việc sắp xếp dân cư ở Nam Trà My đã và đang mang lại hiệu quả khá cao, nhất là trong việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định đời sống cho người dân, giúp hàng ngàn hộ dân an cư lạc nghiệp, đây cũng là tín hiệu tốt để thực hiện chăm lo đời sống tinh thần của người dân.
“Tại nhiều ngôi làng tái định cư, bà con vẫn duy trì được nếp sống vì ở đó có người tổ chức tốt, niềm tin cộng đồng còn mạnh, tinh thần đoàn kết cao. Những gì thuộc về văn hoá truyền thống, bản năng của họ, họ sẽ có ý thức tự giữ gìn, những giá trị tốt đẹp, được cộng đồng thừa nhận sẽ được lưu trữ qua nhiều đời. Nếu giữ được môi trường để họ thích nghi thì chắc chắn văn hoá sẽ được bảo tồn”- ông Lạc nói thêm.