|
Trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số cần được xem xét trong lộ trình bảo tồn văn hóa vì mức độ báo động về sự mai một hiện nay. Ảnh: L.Q |
Báo động về trang phục ứng dụng
Sở VH-TT&DL đang tiếp tục các cuộc thảo luận để đi đến hoàn thiện đề án “hỗ trợ bảo tồn, phát huy một số loại hình văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2025”. Đề án tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của trang phục truyền thống chính là một trong những dấu hiệu quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác, mang đậm bản sắc văn hóa, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng dân tộc.
“Đối với các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam, trang phục của mỗi dân tộc có sự khác nhau về hoa văn, màu sắc, cách thức trang trí mà nhìn vào có thể đoán được đó là dân tộc nào” - ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận.
Gắn liền với trang phục là nghề dệt truyền thống. Trong thời gian qua, nghề dệt thổ cẩm gắn với bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc được các huyện miền núi quan tâm khôi phục và phát triển. “Một số huyện như Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My… bên cạnh vận động cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân là người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ, tết, các kỳ họp quan trọng, ngày đầu tuần ở cơ quan, trường học, đã phục hồi một số làng nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng để vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa tạo ra các sản phẩm du lịch” - ông Hồng chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, hiện nay, trang phục truyền thống chỉ còn được lớp người lớn tuổi sử dụng, trong khi lớp trẻ ít, thậm chí không sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày. Đại diện Phòng VH-TT huyện Nam Giang cho biết, rất khó khi huy động cộng đồng cùng sử dụng trang phục truyền thống. “Nam Giang quy định sáng thứ Hai cán bộ công chức phải mặc trang phục truyền thống. Tuy nhiên chỉ có phụ nữ mặc. Đàn ông rất khó” - vị này nói.
Chưa kể, việc hoàn thành một bộ trang phục truyền thống tốn nhiều công sức và thời gian, dẫn đến giá thành tương đối cao, trong khi đó vải và quần áo may sẵn ngoài thị trường vô cùng phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, mẫu mã, giá rẻ. Đây được xem là nguyên nhân quan trọng khiến cho đồng bào các dân tộc không còn quan tâm đến việc tự sản xuất, tự may trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc đã và đang bị biến dạng, mất gốc và thay thế bằng các trang phục đã được cách tân. Nếu không kịp thời bảo tồn và phát huy, trong tương lai không xa, các trang phục truyền thống dân tộc thiểu số sẽ mất đi, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc do đó cũng khó tìm lại được.
Tìm giải pháp
Hình thành các tổ hợp tác trên cơ sở hỗ trợ từ chính quyền sở tại cũng như các tổ chức phi chính phủ đang là mô hình khá hiệu quả từ một số địa phương. Năm 2013, Tổ chức Lao động Quốc tế hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng, chị em trong thôn Đhờ Rồng huyện Đông Giang đã thành lập thành một tổ hợp tác gồm 26 chị em để cùng phát triển nghề dệt thổ cẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm của người Cơ Tu.
Bling Thị Treng - nghệ nhân dệt thổ cẩm được UBND tỉnh công nhận, cho biết, trước đây, cha mẹ chỉ dệt tấm to, tấm dài để mặc hoặc tặng quà cho con cháu. Sau này, tổ hợp tác của các chị em đã bổ sung thêm mẫu mã để có thể bán được cho khách nước ngoài hoặc làm xong trưng bày, ai có nhu cầu thì mua sử dụng hoặc làm kỷ niệm. Nhiều chị em đã trưởng thành về tay nghề nhờ nghề dệt được khôi phục.
Bà Ating Thị Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết, việc đào tạo, nâng cao tay nghề, thiết kế mẫu mã mới, trang bị kỹ năng nghiên cứu thị trường là những gì mà những người thợ dệt thổ cẩm này học được để sản phẩm thổ cẩm của làng Đhờ Rồng đã có chỗ đứng trên thị trường, được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, muốn duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống thì không chỉ chú trọng việc dạy nghề bằng phương pháp thủ công mà cần phải kết hợp song song giữa thủ công và công nghiệp, đồng thời chú trọng tìm ra nguồn nguyên liệu mới, giá cả phải chăng, thiết kế cải tiến mẫu mã trang phục hoặc làm thành nhiều vật dụng tiêu dùng khác. Việc phải tiến hành cải tiến khung dệt thủ công cho khổ vải rộng hơn, tốc độ dệt nhanh hơn, sử dụng chỉ nguyên liệu mỏng cho thành phần mềm, mịn hơn thì mới mong thổ cẩm trở lại được với đời sống buôn làng.
Nếu mất đi trang phục thổ cẩm, mất đi hoa văn thổ cẩm thì cũng mất đi văn hóa tộc người. Do đó, việc làm thế nào để gìn giữ, bảo tồn, phát huy ngay chính cộng đồng là điều quan trọng nhất, sau đó mới để giới thiệu tới bạn bè. Đây chính là căn nguyên để việc bảo tồn trang phục truyền thống tiếp tục được đặt lên hàng đầu trong câu chuyện gìn giữ văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.
Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, nguyên liệu dệt, hỗ trợ truyền dạy nghề cũng như trang phục cho các đội văn nghệ thành lập tại các xã sẽ là những nội dung được triển khai một khi đề án bảo tồn văn hóa được thông qua. Song song đó, Tổ chức Cứu trợ/Phát triển Quốc tế FIDR (Nhật Bản) cũng đã thành lập một cộng đồng nghệ nhân dệt thổ cẩm với tên gọi “Dải thổ cẩm” nhằm tạo sự kết nối giữa các làng nghề truyền thống dọc miền Trung - Tây Nguyên, hỗ trợ thị trường cũng như các vấn đề gặp phải tại các nhóm dệt...
Câu chuyện bảo tồn trang phục truyền thống không dễ dàng thực hiện, nhất là khi sắc phục của đồng bào hiện nay vẫn rất khó xác định về tính nguyên mẫu...